Triệt lông vĩnh viễn

Vì lý do thẩm mỹ, nhiều người muốn thực hiện triệt lông vĩnh viễn để tự tin hơn. Các khu vực trên cơ thể thường được tẩy lông là chân, tay, nách, ria mép, cằm,… Vậy có triệt lông vĩnh viễn được không và có những phương pháp nào được thực hiện?

1. Có triệt lông vĩnh viễn được không?

Một số phương pháp tẩy lông có hiệu quả lâu dài cho những người rậm lông, có nhu cầu triệt lông. Phương pháp điều trị duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ xác nhận có thể tẩy lông vĩnh viễn là: điện phân. Một phương pháp triệt lông khác cũng mang lại hiệu quả lâu dài là tẩy lông bằng laser. Một liệu trình tẩy lông sẽ bao gồm nhiều lần điều trị. Phương pháp này phù hợp với những người muốn tẩy lông vùng mặt.

Lông chân tay
Một số người có lông chân tay nhiều sẽ có nhu cầu tẩy lông vĩnh viễn

2. Các phương pháp triệt lông vĩnh viễn

2.1 Điện phân

Khi thực hiện triệt lông vĩnh viễn bằng điện phân, bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm, đưa tần số vô tuyến sóng ngắn vào nang lông rồi loại bỏ lông bằng nhíp. Có thể thực hiện điện phân trên mọi bộ phận của cơ thể. Phương pháp này có hiệu quả trên mọi loại lông hay tóc, kể cả tóc sáng màu.

Do chu kỳ phát triển của lông, tóc, cần nhiều lần điện phân để có thể đạt được hiệu quả triệt lông như mong muốn. Số lần điện phân tùy thuộc vào vùng cơ thể, mức độ nhạy cảm của mỗi người, số lượng lông trên cơ thể. Tới khi đã loại bỏ tất cả lông khỏi khu vực điều trị thì không cần thực hiện thêm bất kỳ liệu trình nào nữa.

2.2 Tẩy lông bằng laser

Phương pháp tẩy lông bằng laser sử dụng tia laser để phá hủy các nang lông. Có thể sử dụng phương pháp này ở mọi vị trí trên cơ thể, trừ khu vực quanh mắt (lông mày, lông mi). Một liệu trình triệt lông bằng laser thường gồm nhiều buổi để loại bỏ lông trên một vùng cơ thể. Những buổi điều trị thường cách nhau 4 – 6 tuần.

Thông thường, sau buổi trị liệu đầu tiên, có thể giảm 10 – 25% lượng lông ở khu vực điều trị. Khi lông mọc trở lại, chúng có xu hướng thưa hơn, nhạt màu hơn. Thực tế, tẩy lông bằng laser cho hiệu quả tốt trên lông sẫm màu và thô cứng nhưng phương pháp này thường không hiệu quả với lông hoặc tóc sáng màu, màu xám hoặc đỏ.

Theo đó, cần lưu ý, tẩy lông bằng laser làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời (tạm thời). Vì vậy, trong suốt quá trình điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp giúp bảo vệ da như sau:

  • Tránh việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
  • Không nên sử dụng giường tắm nắng;
  • Thoa kem chống nắng thường xuyên với chỉ số SPF cao.

2.3 Kem tẩy lông

Những người không có nhiều thời gian hoặc không có đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho dịch vụ tẩy lông bằng laser hoặc điện phân thì có thể sử dụng kem tẩy lông. Một số loại kem tẩy lông có thể ngăn chặn sự phát triển của lông nếu dùng thường xuyên.

Kem tẩy lông
Kem tẩy lông được áp dụng khá phổ biến nhưng hiệu quả không cao

3. Triệt lông vĩnh viễn có ảnh hưởng gì không?

Các kỹ thuật triệt lông vĩnh viễn kể trên tương đối an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra một số phản ứng phụ như:

  • Điện phân: Sau các buổi điện phân triệt lông, người bệnh thường có cảm giác châm chích, mẩn đỏ hoặc kích ứng tại vị trí tẩy lông. Một số trường hợp hiếm có thể bị nhiễm trùng hoặc có quá nhiều mô sẹo trên vị trí tẩy lông;
  • Tia laser: Tia laser có thể gây cảm giác đau nhẹ và khó chịu trong quá trình triệt lông. Sau khi điều trị, da có thể bị đỏ hoặc kích ứng trong vài ngày. Ở một số trường hợp hiếm, tại vị trí tẩy lông có thể hình thành mụn nước hoặc sẹo;
  • Kem tẩy lông: Đa số các loại kem tẩy lông đều an toàn. Tuy nhiên, một số người có thể có phản ứng dị ứng với các thành phần của kem. Phụ nữ mang thai hoặc những người có cơ địa dị ứng nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng kem tẩy lông.

Phương pháp triệt lông vĩnh viễn tác động trực tiếp lên các nang lông, loại bỏ hoàn toàn các sợi lông hoặc khiến lông không tiếp tục sản sinh được. Nếu có mọc lại, lớp lông mới cũng rất yếu và nhạt màu, không gây mất thẩm mỹ. Để giảm nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ sau tẩy lông, người bệnh nên thực hiện tại những cơ sở uy tín và tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ.